12 thg 8, 2012

NUÔI DÚI ĐẺ NHƯ THẾ NÀO ?

Xin chào tất cả các bạn chăn nuôi.
Như đã giới thiệu ở trang chủ về bản thân, tôi rất thích chăn nuôi và mục đích của tôi tạo Blog là để các bạn chăn nuôi cùng tôi học hỏi nhau, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi – làm kinh tế. Mọi thắc mắc của các bạn tôi sẽ giải đáp khi gọi điện thoại cho tôi. Không được giải đáp trực tiếp thì các bạn cứ viết nhận xét lại blog. Trả lời cho một người mà nhiều người có thể xem và cho thêm ý kiến. Các bạn gởi mail cho tôi thì thông cảm vì tôi bận nên hồi âm rất chậm.
Tôi nhận được rất nhiều sự trao đổi về việc nuôi dúi. Tôi thấy các bạn quan tâm nhiều đến động vật hoang dã tôi vui lắm. Các bạn yên tâm dúi là động vật dễ nuôi. Dúi con từ lúc sinh sản đến 6 tháng tuổi là chịu phối giống. Dúi mẹ sinh sản thuần thục thì số con trong bầy cao: từ 3 đến 5 con, 4 con là thường gặp nhất. Dúi con nuôi ổn định tại chỗ và cho ăn đầy đủ thì 4-5 tháng trọng lượng 1kg. Dúi con nuôi tập thể mau lớn hơn nuôi đơn lẻ. Nuôi đơn lẻ dúi nó buồn. Dúi muốn sinh sản phải đảm bảo 2 điều: trọng lượng từ 1kg trở lên và đủ tháng tuổi. Dúi vẫn tiếp tục tăng trọng phát triển khoảng trọng lượng đến 2,5 -3 năm. Trọng lượng tối đa là 3kg. Tuổi thọ của dúi khoảng 6 năm.

Muốn nuôi dúi sinh sản thì mua dúi nuôi của những chỗ đã nuôi. Các bạn đừng nên mua dúi rừng vì tỉ lệ hao hụt bệnh tật và công nuôi dưỡng tốn kém nhiều. Các bạn đem dúi về cho nó quen với môi trường sống ít nhất 1 tháng. Dúi nó dạn với người nuôi và cách chăm sóc thì dúi mới sinh sản tốt. Hơn nữa dúi mới chuyển về chỗ mới sẽ sụt cân. Sau 1 tuần dúi mới cân bằng trở lại. Nếu các bạn mua dúi con (không cần phải dúi mới tách bầy, dúi khoảng 400g trở lên là tốt )thì về nhốt chung trong một ô chuồng. Như vậy dúi có cảm giác không xa lạ chỗ cũ. Các bạn cho dúi ăn có thể vuốt ve dúi được là tốt. Dúi nuôi tập thể mau lớn hơn. Nuôi cho dúi quen với môi trường rồi thì tiến hành phối giống. Nếu mua dúi mẹ mới phối giống thì nhốt chung với con đực khi thấy dúi mẹ bụng to rồi thì bắt dúi đực ra. Các bạn lưu ý là lúc nào ta cũng để dúi cái ở ô ban đầu mới thả vào chỉ bắt dúi đực. Dúi mẹ gần sinh sản thì đầu vú bóp nhẹ sẽ có sữa tiếc ra. Hầu như dúi nuôi đều có thể bắt lên theo dõi được. Chuồng nuôi không cần làm phải xây ổ. Bởi vì dúi dạn dĩ thân thiện rồi thì không cắn con nữa. Khi nuôi các bạn bỏ lá cây, giấy vụn để dúi nằm và làm ổ lúc sinh sản luôn. Các bạn tránh dọn chuồng vào 2 ngày đầu dúi vừa sinh sản và tránh bỏ thếm giấy báo, lá cây khô để dúi làm thêm ổ. Không cho chó mèo đến gần nơi nuôi dúi. Khách tham quan thì hạn chế tối đa xem dúi đẻ nếu dúi dưới 10 ngày. Dúi sinh sản và nuôi con sẽ ốm lại: trọng lượng khoảng 1,2-1,5kg. Khi nuôi con chừng 1 tháng các bạn tách bầy và dưỡng thì dúi sẽ mập lại. Nếu các bạn không phối giống thì vú dúi mẹ sẽ bị teo lại. Khi nào dúi mang bầu và sinh sản thì vú lại nở to. Các bạn chăm sóc đặc biệt cho dúi mẹ lúc gần sinh sản cũng như lúc tách bầy lượng tinh bột. Dúi con mới tập ăn cũng bổ sung tinh bột đầy đủ. Những con dúi khác thì khẩu phần ăn bình thường.
Chọn giống chọn con bố mẹ to, lông mượt. Cho dúi đực vào ô chứa dúi cái. Dúi cái chịu giao phối thì giao phối liên tục trong 5 ngày (quan sát được), chúng đánh hơi và phát ra tiếng kêu ực ực. Khoảng 10 từ lúc bắt đầu phối giống thì tách dúi đực ra. Dưỡng dúi đực 10 ngày rồi cho vào dúi cái khác. Các bạn đừng có ham cho dúi cái nhiều dúi đực ít. Tỉ lệ 1 đực 2 cái là tốt. Vì ta có nhiều con đực sẽ chọn được giống tốt. Phải chọn dúi khác dòng để tránh trùng huyết.
Các bạn xây chuồng thì ngang 1mét, dài khoảng 1,2-1,5 mét. Xây chuồng như vậy tận dụng được nuôi dúi sinh sản và dúi thịt.
Các bạn phối hợp bài kĩ thuật nuôi dúi với bài này để làm nhé. Những gì nói ở bài trước tôi không nhắc lại. Có gì các bạn viết nhận xét cho tôi. Chúc các bạn thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét